Bí quyết thuyết trình “hút hồn”
Lượt xem: 551Thuyết trình và làm việc nhóm là hoạt động phổ biến trong các môn ở đại học. Mỗi thành viên sẽ có một điểm mạnh riêng, tuy nhiên không phải lúc nào những “gương mặt thân quen” cũng phải đảm nhận nhiệm vụ thuyết trình.
Vì vậy, các GDU-ers đừng quên lưu lại 4 kỹ thuật để bài thuyết trình sắp tới trở nên lôi cuốn và để lại ấn tượng sâu sắcnhé!
Duy trì nguồn năng lượng cao
Hầu hết các bạn sinh viên lên thuyết trình với giọng đều đều như khi các bạn trò chuyện với bạn bè. Tuy nhiên, các buổi thuyết trình hướng tới một nhiệm vụ quan trọng, không phải là một cuộc trò chuyện thông thường.
Nguồn năng lượng không đến từ “chiếc bụng đói”, thế nên, các bạn đừng quên nạp 1 ít năng lượng để xua đi những lo lắng, áp lực trước khi thuyết trình.
Thuyết trình là thuyết phục, vậy nên, bạn hãy nằm lòng những kiến thức bạn muốn dùng để bảo vệ ý tưởng của mình, đồng thời mở lòng đón nhận những ý kiến, góp phần giúp ý tưởng trở nên hoàn thiện hơn.
Ngoài việc truyền sự hài hước, sự nhiệt tình vào bài thuyết trình, các GDU-ers cũng đừng quên cố gắng duy trì nguồn năng lượng cao đó thông qua việc khơi lên những cuộc thảo luận ngắn, những câu chuyện vui và đừng quên tận dụng những quãng nghỉ để khán giả dễ tập trung hơn cho phần thuyết trình còn lại.
Luyện tập ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, mở rộng vốn từ
Nhiều người cho rằng, nội dung bài phát biểu mới là quan trọng, nhưng ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu và vốn từ của bạn cũng góp phần gây thu hút cho người nghe không kém. Đã bao giờ bạn mắc phải 1 trong 3 vấn đề bên dưới?
- Khó đạt được mục đích vì ngôn ngữ cơ thể cứng ngắt. Giống như khi bạn trình bày một vấn đề vui với gương mặt buồn bã, hoặc kêu gọi sự đồng tình với những cử chỉ rụt rè.
- Nội dung trình bày của bạn mới lạ, có tính đột phá nhưng khó lôi cuốn người nghe vì vốn từ đơn điệu, không phong phú và không có sự linh hoạt.
- Không điều chỉnh được ngữ điệu khi nói dẫn đến sự thờ ơ của khán giả. Cùng một câu chuyện hài, bạn của bạn kể đến đâu thì mọi người cười theo đến đó; tới lượt bạn thì thế giới đảo ngược?
Vì vậy hãy dành sự quan tâm đến dáng điệu, hãy truyền tải thông điệp thông qua ngôn ngữ cơ thể trước cả khi bạn cất lời bằng việc:
- Đứng trước gương và thuyết trình, luyện tập cử chỉ cởi mở, mỉm cười và kiểm soát nét mặt trong suốt bài nói.
- Đọc thật nhiều và thường xuyên để giúp vốn từ, cách diễn đạt và cách đặt câu hỏi trở nên phong phú hơn. Khi đọc nhiều, bạn còn thu thập thêm kiến thức về các vấn đề xã hội để có thể sử dụng như một dẫn chứng hay một ví dụ nhằm tăng tính thuyết phục cho bài thuyết trình của mình.
- Rèn luyện kỹ năng điều chỉnh ngữ điệu bằng cách theo dõi các cuộc thi hùng biện và hoặc bài phát biểu của những người nổi tiếng trên thế giới. Từ đó gây chú ý cho người nghe bằng cách nhấn nhá, ngắt câu và lên xuống giọng tùy theo nội dung.
Slide trình bày khoa học, ngắn gọn, hấp dẫn
Thông tin dễ đọng lại hơn khi được thuyết trình dưới dạng ảnh thay vì chữ, vì vậy bạn đừng để quá nhiều chữ lên các slide trình chiếu. Thay vào đó hãy thay bằng các bức ảnh và các hình ảnh động bổ sung cho thông điệp của bạn.
Thuyết trình kết hợp với các thành viên nhóm
Để buổi thuyết trình không khô khan, tẻ nhạt và chán ngắt, nếu có nhiều nội dung cần đề cập trong bài, bạn nên chia nhỏ chúng ra và phân công cho các thành viên nhóm. Thuyết trình bằng cách kết hợp giúp thông tin được cung cấp đến người nghe một cách chính xác. Tất nhiên, để buổi thuyết trình thành công, bạn nên họp nhóm chuẩn bị và luyện tập trước.
Đối với sinh viên, kỹ năng thuyết trình rất quan trọng vì bạn không chỉ nói chuyện với bạn bè, thầy cô mà sau này bạn còn dùng nó để thuyết phục sếp, hoặc quản lý cấp dưới hay còn dùng để giới thiệu, thuyết phục khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ của công ty.
Vì vậy hãy cố gắng tận dụng thời gian trên giảng đường để rèn luyện, cải thiện kỹ năng thuyết trình theo 4 bước trên nhé!