GDU cùng Liên Chi hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM cập nhật xu hướng mới trong lĩnh vực y tế
Lượt xem: 71Ngày 27/3/2025, Trường Đại học Gia Định (GDU) phối hợp cùng Liên Chi hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xu hướng mới trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ”. Hội thảo cập nhật nhiều kiến thức chuyên sâu, kỹ thuật tiên tiến và xu hướng phát triển mới nhất trong lĩnh vực y tế.
Sự kiện quy tụ đông đảo Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ đầu ngành, mang đến cái nhìn chuyên sâu về sự phát triển của lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ trong bối cảnh công nghệ y học ngày càng hiện đại. Ngoài việc cập nhật kiến thức chuyên môn, hội thảo khoa học còn là diễn đàn để các chuyên gia gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM trao tặng kỷ niệm chương cho các báo cáo viên tham gia hội thảo.
Tham dự hội thảo có: NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định; PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định; NGƯT.TS Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định; GS.TS.BS Trần Quyết Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Sức khỏe - Đại học Quốc Gia TP.HCM; PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Phó Chủ tịch Liên Chi Hội tạo hình TP.HCM;...
Phát biểu tại sự kiện, NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định chia sẻ: “Đời sống phát triển kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ của người dân ngày càng tăng cao. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những ai đang công tác về lĩnh vực y khoa. Năm nay, Trường Đại học Gia Định bắt đầu đào tạo khối ngành Sức khỏe theo phương châm tận dụng mọi ưu thế đã và đang có để mang lại điều kiện học tập tốt nhất. Hy vọng trong tương lai, nhà trường sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia, nhà khoa học trên hành trình kiến tạo tri thức, chung sức xây dựng tương lai cho thế hệ trẻ”.
NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định phát biểu tại Hội thảo.
Một điểm đáng chú ý tại hội thảo lần này là sự tham gia của đông đảo sinh viên GDU đến từ nhiều khoa/chuyên ngành khác nhau. Với định hướng mở rộng đào tạo khối ngành Sức khỏe, Trường Đại học Gia Định đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để các bạn trẻ có cơ hội học hỏi và tiếp cận thực tế trong môi trường chuyên nghiệp.
Các chuyên gia mang đến nhiều thông tin hữu ích mang đến góc nhìn chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cũng như những xu hướng hiện đại trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, trong đó nổi bật như:
+ Chủ đề “Những điểm mới trong phẫu thuật tạo hình vùng hàm mặt” - PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương.
+ Chủ đề “Chuỗi phẫu thuật khe hở với phương pháp Tajima được cải tiến cho khe hở một bên” - Diễn giả TS.BS Keisuke Imai (Nhật Bản).
+ Chủ đề “Ứng dụng của mẫu tái tạo 3D và chuyển hình giả lập trong lập kế hoạch điều trị và hướng dẫn phẫu thuật trong phẫu thuật chỉnh hình” - TS. JB Lai Jui Pin (Đài Loan).
+ Chủ đề “Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số 3 chiều (3D) trong phẫu thuật chỉnh hình hàm mặt” - ThS.BS Dương Minh Tùng.
+ Chủ đề “Những khuynh hướng phẫu thuật thẩm mỹ bộ phận sinh dục ngoài” - PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm.
+ Chủ đề “Kiểm soát sâu răng sớm bằng xylitol ở từng giai đoạn cuộc đời” - TS.BS Akira Suziki.
+ Chủ đề “Tối ưu hóa trong phẫu thuật thu nhỏ ngực khổng lồ bằng đường rạch ngang, cuống dưới” - TS. BS Trần Văn Dương.
+ Chủ đề “Đánh giá kết quả ghép mỡ hạt sau lấy bỏ vật liệu nhân tạo trên bệnh nhân có biển chứng sau phẫu thuật nâng mũi” - TS. BS Lâm Quang An.
+ Chủ đề “Đánh giá hiệu quả của khí cụ N.A.M chủ động ở trẻ dị tật khe hở môi - vòm miệng toàn bộ hai bên” - BS.CKI Nguyễn Huy Hoàng Anh.
+ Chủ đề “Đánh giá kết quả ghép mô liên kết lỏng lẻo trên cân (PAT) che phủ vùng lộ gân xương trên nền vết thương phức tạp” - BS.CKII Thân Văn Hùng.
+ Chủ đề “Đánh giá hiệu quả của dao siêu âm trong phẫu thuật tạo hình thành bụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM” - BS.CKII Vũ Hữu Thịnh.
+ Chủ đề “Điều trị xâm lấn tối thiểu nhiễm trùng vết thương sau tiêm chất làm đầy thẩm mỹ” - BS.CKI Trần Ngọc Lĩnh.
Không chỉ là nơi cập nhật thông tin chuyên môn, hội thảo còn tạo cơ hội để các Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chia sẻ trao đổi kinh nghiệm thực tế, từ đó hiểu sâu hơn về những thách thức và tiềm năng phát triển.
PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM, Phó Hiệu trưởng GDU chia sẻ: “Hội thảo là cơ hội để chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho ngành khối sức khỏe, từ đó cải thiện chất lượng điều trị của người bệnh. Hôm nay, với sự góp mặt của gần 200 báo cáo viên là các bác sĩ, nhà khoa học, tôi hy vọng rằng, sự kiện sẽ đem đến nhiều giá trị thiết thực, góp phần vào sự phát triển của ngành y tế nước nhà”.
PGS.TS.BS Lâm Hoài Phương - Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình TP.HCM, Phó Hiệu trưởng GDU phát biểu tại Hội thảo.
Là một trong những đơn vị đồng hành cùng hội thảo lần này, GDU không chỉ khẳng định vai trò tiên phong về lĩnh vực đào tạo chất lượng cao mà còn rất chú trọng đến việc kết nối, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề theo xu hướng hiện đại. Hội thảo khoa học lần này là minh chứng cho nỗ lực ấy, giúp nhiều chuyên gia cập nhật kiến thức, nâng cao chuyên môn và tay nghề trong ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Xu hướng mới trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ” nhận được sự quan tâm đông đảo cả các bạn sinh viên GDU.
Không dừng lại ở đó, GDU cũng đang từng bước mở rộng đào tạo các khối ngành sức khỏe, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Với phương châm đào tạo gắn liền với thực tiễn, nhà trường đang không ngừng tạo điều kiện tốt nhất để các chuyên gia có môi trường trao đổi học thuật, nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.
Việc tổ chức các hội thảo chuyên sâu như lần này là một phần trong chiến lược dài hạn mà nhà trường đang hướng tới, nhằm mang đến những giá trị thiết thực, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Y học nói chung và lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng.
Trung Nghĩa