GDU cùng chuyên gia, nhà khoa học góp ý “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”
Lượt xem: 47Với hơn 30 tham luận, Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số” do Trường Đại học Gia Định (GDU) và Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội phối hợp tổ chức, đã đưa ra nhiều góc nhìn, kiến nghị liên quan pháp luật để phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý, ngày 15/4/2025, tại Trường Đại học Gia Định đã diễn ra thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”.
Hội thảo do Trường Đại học Gia Định (GDU) và Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội phối hợp tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Quốc hội), Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, các thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, giảng viên, sinh viên, chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế số nổi lên như một xu hướng tất yếu, định hình lại toàn bộ phương thức hoạt động của xã hội. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách bền vững, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, kịp thời và hiệu quả là vô cùng quan trọng.
NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần (Hiệu trưởng GDU, trái) và GS.TS Phan Trung Lý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội) điều hành Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số".
Về phía khách mời, chương trình có sự tham dự của TS Lê Hoàng Hải - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; GS.TS Phan Trung Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; GS.TS Lê Minh Tâm - Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Chiến lược kinh tế, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS Phạm Hữu Nghị - Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; ThS Nguyễn Đình Phúc - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, cùng đông đảo Quý đại biểu cấp cao, Quý nhà báo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành là các thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước.
Hội thảo có sự tham dự đông đảo của Quý đại biểu cấp cao, Quý nhà báo, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành là các thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước.
Về phía Trường Đại học Gia Định, hội thảo khoa học có sự tham dự của NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Nhà trường; ThS.LS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; NGƯT.TS Nguyễn Văn Hiến - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ThS Nguyễn Thị Cẩm Lệ - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS Nguyễn Vũ Lân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cùng quý lãnh đạo các Khoa/Phòng/Ban/Trung tâm và giảng viên - cán bộ nhân viên của GDU.
Phát biểu khai mạc hội thảo, NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng GDU, đánh giá cao tính thời sự và nội dung các ý kiến tham luận tham gia hội thảo, đồng thời khẳng định kinh tế số là một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu và Trường Đại học Gia Định sẽ không đứng ngoài cuộc cách mạng này.
“Đất nước chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên số. Để hiện thực hóa khát vọng vươn tầm, chúng ta cần trang bị cho mình tri thức số, xây dựng trên nền tảng sản xuất số tiên tiến. Phương thức sản xuất số giờ đây không chỉ nằm ở máy móc, mà còn ở dữ liệu và tài nguyên số. Nhằm thích ứng, quản lý được một xã hội tiên tiến như thế, chúng ta cần phải có hệ thống Pháp luật thích ứng với kỷ nguyên số đóng góp vào quá trình chuyển đổi vươn mình của đất nước” - NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần nhấn mạnh.
NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thích ứng với sự phát triển của kỷ nguyên số, đóng góp vào quá trình vươn mình của đất nước
Theo Ban tổ chức, hội thảo nhận được hơn 30 bài viết tham luận gửi về, xoay quanh các chủ đề: Pháp lý về bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số; Pháp lý về bảo vệ dữ liệu người dùng; Pháp lý về đầu tư, cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trên môi trường số; Pháp lý kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; Pháp lý về tài sản số; Góp ý dự thảo “Luật khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo” và dự thảo “Luật Công nghiệp công nghệ số”; Những kinh nghiệm quốc tế về pháp luật trong nền kinh tế số…
Sự kiện mang đến góc nhìn đa chiều, chuyên sâu về những vấn đề pháp lý then chốt trong nền kinh tế số. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam.
GS.TS Phan Trung Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, phát biểu tại hội thảo.
GS.TS Phan Trung Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chia sẻ: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên bứt phá, kỷ nguyên của kinh tế số. Đây là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc Đảng chủ trương phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế số, chính là một bước tiến mang tính đột phá, tạo đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước. Buổi hội thảo quy tụ những bộ óc hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế, thương mại và công nghệ, cùng nhau phân tích và đề xuất các thể chế trong nền kinh tế số”.
Các đại biểu đã cùng nhau đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Với định hướng đào tạo gắn liền nghiên cứu, thực tiễn và kết nối cộng đồng, GDU tiếp tục khẳng định vai trò là cơ sở giáo dục tiên phong trong lĩnh vực pháp luật. Nhà trường cam kết tổ chức các hoạt động học thuật, hội thảo chuyên sâu để đào tạo nguồn nhân lực luật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thời đại số.
“Các chuyên đề tại hội thảo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong em, đặc biệt là khung pháp lý về thương mại điện tử và dữ liệu người dùng. Những kiến thức này giúp chúng em thấu hiểu sâu sắc vai trò then chốt của pháp luật đối với việc kiểm soát, bảo vệ quyền lợi người dùng, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển sâu rộng, len lỏi vào mọi khía cạnh đời sống”, bạn Thành Ánh Ngân - Sinh viên năm 3 ngành Luật GDU chia sẻ.
GDU cam kết tổ chức các hoạt động học thuật, hội thảo chuyên sâu để đào tạo nguồn nhân lực luật chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thời đại số.
Tin rằng, những buổi hội thảo khoa học như thế này không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn sâu rộng, mà còn mang đến nhiều giá trị thực tiễn cho sinh viên. Đây là cơ hội để các GDUers được tiếp cận với kho tàng kiến thức đa dạng về ngành nghề, từ đó trang bị thêm kỹ năng chuyên môn cần thiết cho việc học tập, công việc của bản thân.
Văn Chiến