Hành trình đến với ngôi vị Á Quân Cuộc thi Marketing Catcher 2022 của sinh viên Đại học Gia Định
Lượt xem: 1526Đam mê Marketing, liên tục học hỏi và chinh phục kiến thức trong ngành, Nguyễn Thành An – sinh viên năm nhất ngành Marketing Trường Đại học Gia Định đã giành ngôi vị Á Quân tại cuộc thi Marketing Catcher 2022.
Cuộc thi Marketing Catcher 2022 (MarC) do Câu lạc bộ Marketing của Nhà văn hóa sinh viên tổ chức từ 24.03 đến 14.05.2022. Đây chính là sân chơi lý tưởng cho các bạn trẻ yêu thích Marketing có cơ hội khám phá năng lực bản thân và hướng đến giá trị Marketing bền vững.
Với chủ đề xuyên suốt cuộc thi là “Marketing 5.0: Khoảng cách giữa con người và công nghệ”, đội của Nguyễn Thành An - sinh viên lớp K15DCMAR06 đã gây ấn tượng với ban giám khảo, giành ngôi vị Á Quân.
Hãy cùng lắng nghe Thành An kể về hành trình chinh phục “vũ trụ” MarC của mình nhé.
Nhờ đâu An biết và tham gia cuộc thi Marketing Catcher 2022?
Em biết đến cuộc thi Marketing Catcher thông qua một người anh. Trong một lần trò chuyện về ngành Marketing và các cuộc thi trong ngành, anh đã giới thiệu và động viên em tham gia cuộc thi này với mục đích ban đầu - chỉ để lấy kinh nghiệm.
Hành trình tham dự cuộc thi của An như thế nào?
Trong cuộc thi, Ban tổ chức quy định thi theo nhóm nhưng em chỉ đi một mình. Vì vậy Ban tổ chức đã “gom” những thí sinh cá nhân như em thành một nhóm. Em được hợp tác cùng hai chị sinh viên năm 3 ngành Quản trị kinh doanh của một trường đại học khác và đặt tên nhóm là Build Your Brains.
Vì em là sinh viên năm nhất nên tất cả hành trang đi thi chỉ là kiến thức cơ bản được học về Marketing tại Đại học Gia Định. Khi được lọt vào vòng 2, em và các chị thực sự nghiêm túc đầu tư về thời gian, chất xám, hình ảnh để trau chuốt cho bài thi của mình. Lúc này, em bắt đầu tìm kiếm tài liệu liên quan đến chuyên môn, tự nghiên cứu tất cả kiến thức, thuật ngữ cũng như học cả tiếng Anh chuyên ngành.
Thành An (bên góc phải) trong cuộc thi Marketing Catcher 2022. Nguồn ảnh: Ban tổ chức cuộc thi
Bản thân em là sinh viên ngành Marketing, có thế mạnh về ý tưởng và sáng tạo nên em phụ trách việc đưa ra chiến lược, ý tưởng để thực hiện chủ đề của cuộc thi. Nhưng để triển khai cụ thể chiến dịch sao cho thu được lợi nhuận, các chị phải tính các chỉ số về tài chính ví dụ như tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau khi chi trả và thu lại vốn,…. Như vậy tất cả những ý tưởng, chiến lược sẽ được em cân đo đong đếm, còn hai chị là người hỗ trợ về mặt tinh toán kinh phí, tài chính.
Thời điểm đang thi cũng là thời điểm em đang học môn Marketing căn bản. Ở đó, thầy đang dạy về mô hình 4Ps và em đã đọc hết cuốn giáo trình của thầy. Bên cạnh đó, em tự tìm kiếm thêm kiến thức từ sách, báo, Internet để tìm hiểu sâu về các thông tin cần cho bài thi.
Ban đầu đi thi chỉ để lấy kinh nghiệm nhưng khi tới vòng chung kết, em thật sự rất tự tin. Bên cạnh đó, em cũng cảm thấy may mắn khi được hợp tác cùng hai chị. Điều này giúp cho ý tưởng được thực hiện một cách thực tế hơn. Nhờ sự phân chia rõ ràng như vậy mà nhóm trở nên gắn kết, hiểu nhau hơn và đạt kết quả cao trong cuộc thi.
Cảm xúc khi nhận được giải Á Quân tại cuộc thi như thế nào?
Xúc động. Lúc đầu đi thi, em chỉ muốn lấy kinh nghiệm, không ngờ lại “lấy” luôn giải Á Quân.
Lời nhận xét đáng nhớ nhất từ Ban giám khảo?
Mỗi vòng thi, nhóm em đều nhận được nhận xét, trong đó có nhiều lời khen từ ban giám khảo. Ban giám khảo đánh giá rất cao về ý tưởng khi nhóm chọn làm về môi trường và sách nói. Bài thi của nhóm là ý tưởng mà Ban giám khảo ấn tượng nhất xuyên suốt cuộc thi.
An đã khám phá được điều gì mới từ bản thân sau khi kết thúc cuộc thi?
Em chưa bao giờ nghĩ bản thân mình có thể giỏi như vậy, chưa bao giờ nghĩ rằng em có thể làm ra một chiến dịch truyền thông một cách cụ thể, chỉn chu từ A – Z về mặt ý tưởng, tiếp cận khách hàng, quảng cáo, chi phí sản xuất và liên hệ các bên liên quan. Tất cả những cái đó em không nghĩ mình có thể hoàn thành trong vòng 03 ngày.
Em chỉ mới là sinh viên năm nhất, chưa có đủ kiến thức về ngành và cũng chưa biết năng lực của bản thân mình tới đâu. Sau khi tham gia cuộc thi, em càng thấy kiến thức chuyên ngành rất quan trọng. Vì vậy, sau khi học thêm các môn chuyên ngành ở trường, em đặt mục tiêu thực tập sớm ở doanh nghiệp và tiếp tục chinh phục các cuộc thi khác để khám phá tiềm năng của bản thân.
Thách thức khi tham gia cuộc thi của An là gì?
Trong một nhóm mà ai cũng có cá tính mạnh thì tất nhiên sẽ có bất đồng quan điểm. Ví dụ, em muốn chương trình khuyến mãi được thực hiện theo cách A, nhưng các chị nói cách A không thu được lợi nhuận. Sau đó, em đề xuất cách B thì chị nói cách này chi phí cho chương trình quá cao. Vì vậy nhóm đã xảy ra xung đột gay gắt đến mức tụi em không nghĩ là sẽ tiếp tục được vòng thi vì khuyến mãi là chủ đề chủ chốt của vòng thi đó. Để giải quyết vấn đề này, cả nhóm đã ngồi lại trình bày ý kiến của bản thân và dung hòa những quan điểm với nhau.
An đã từng nói “Mục tiêu lớn nhất hiện tại của mình là có thể “hiểu rõ”, “hiểu đúng” và “hiểu sâu” chữ “Marketing” mà mình đang theo học”. An đã thực hiện mục tiêu đó như thế nào?
Sau cuộc thi em đã hiểu rõ hơn chữ “Marketing” rất là nhiều. Với em, Marketing không đơn thuần là sáng tạo. Marketing của mình phải đưa được vào thực tiễn thì mới gọi là sáng tạo. Có những ý tưởng nó chỉ hay khi được giải thích và sẽ không được đưa vào thực tế nếu không ai giải thích cho mình nghe.
Thành An (thứ tư từ trái qua) nhận bằng khen và học bổng từ cuộc thi Marketing Catcher 2022. Nguồn ảnh: Ban tổ chức cuộc thi.
Sắp tới, em sẽ chọn chuyên ngành học cho mình. Ở Đại học Gia Định, Marketing được chia làm 02 chuyên ngành: Marketing kỹ thuật số và Quản trị truyền thông - thương hiệu. Quản trị truyền thông - thương hiệu là lĩnh vực em thích, nhưng Marketing kỹ thuật số là lĩnh vực thị trường “thích”.
Có những công ty thật sự lớn mới chú trọng vào xây dựng truyền thông thương hiệu, còn không thì họ chú trọng về truyền thông theo nền tảng số hoặc là social media. Vì vậy, em đặt câu hỏi cho bản thân là nên đi theo bản thân hay làm cái thị trường đang cần. Em hiểu rõ nếu làm cái bản thân mình thích mà thị trường không cần thì cũng là một điều nguy hiểm.
Ai là mentor của An trong suốt hành trình đi thi?
Đó là người anh đã giới thiệu em đi thi. Anh đã đưa em đến với cuộc thi này. Anh đã chủ động hướng dẫn cho tụi em xuyên suốt hành trình và gợi ý về truyền thông cho đến việc chọn KOLs hay những người nổi tiếng có phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn,…. Những điểm sáng trong bài thi là xuất phát từ những đóng góp rất nhỏ của anh. Em đã gửi lời cảm ơn đến anh ngay sau khi có kết quả.
Thật sự, đối với một sinh viên năm nhất như em để hiểu hết những kiến thức này rất là khó. Vì vậy em nghĩ khi thi bất cứ cuộc thi nào, bạn cũng nên có cho mình một người mentor.
Điều đáng nhớ nhất khi An tham gia cuộc thi là gì?
Là sự tin tưởng của mọi người dành cho em. Thú thật, khi đi thi em không tin rằng mình sẽ đậu vào vòng trong nhưng gia đình và bạn bè luôn tin tưởng em sẽ làm được. Lúc đó em nghĩ trong đầu: “Làm sao mà thắng được? Năm nhất đi thi mà thắng cái gì?”.
Em không hiểu tại sao mọi người có thể tin tưởng em, trong khi em còn không tin vào chính bản thân mình. Chính vì sự tin tưởng đó đã cho em rất nhiều động lực. Từ trước đến nay, em chỉ “gom” mình vào một vùng an toàn, em chỉ làm những gì bản thân em làm tốt và chưa dám mạo hiểm làm những gì bản thân em chưa làm tốt.
Vậy người mang đến cho em động lực mạnh mẽ nhất là…
Tại Trường Đại học Gia Định, cô Quý Ngọc có nói một câu mà nhờ nó em đã có can đảm đăng ký tham dự cuộc thi này. Đó là: “Cô cảm thấy với sự cố gắng và nỗ lực của bạn An, nếu bạn chịu học tập và cứ cố gắng như vậy thì cô tin bạn sẽ phát triển rất tốt trong lĩnh vực Marketing”.
Em đã xác định học Marketing từ năm lớp 9 nhưng khi vào học rồi vẫn có một chút gì đó mông lung. Em tự hỏi, mình có năng lực đủ hay chưa và nếu đủ rồi mình có làm được hay không?
Chỉ với hai từ “Cô tin” mang lại động lực lớn nhất cho em vì lúc đó em chỉ mới nhập học 03 tháng. Từ đó, em đã cố gắng tự học về Marketing rất nhiều, tự đọc tài liệu tiếng Việt đến tiếng Anh chuyên ngành ngay cả trước khi thi.
Theo An “công thức” cơ bản của sinh viên ngành Marketing là gì để thành công?
Em không dám đại diện để trả lời câu hỏi này. Em rất yêu thích ngành Marketing.
Em nghĩ rằng: Nếu bạn muốn đi thi Marketing, thì nhất định phải tìm hiểu kiến thức Marketing và có mối quan hệ với những người có khả năng ủng hộ bạn, tạo cho bạn những động lực lẫn kiến thức để bạn phát triển nhiều hơn.
Tháng trước trường có tổ chức một talkshow về “Xây dựng nhân hiệu cá nhân” của anh Trần Nhật Vũ. Em có hỏi anh một câu là: “Anh phân biệt giúp em nhân hiệu cá nhân và việc đặt nhân hiệu cá nhân vào chiến dịch của nhãn hàng thì nhãn hàng có bị lu mờ hay không?”. Câu trả lời của anh đã giúp em xác định rất rõ giữa nhân hiệu và thương hiệu. Sau buổi talkshow này, em đã kết bạn Facebook và đọc những bài viết về Marketing của anh. Cho nên theo em, công thức của mình là cố gắng rèn luyện tư duy của mình một cách chủ động, thụ động hoặc một cách nào đó để bản thân mỗi ngày tốt hơn.
Trường Đại học Gia Định chúc mừng bạn Nguyễn Thành An, sinh viên lớp K15DCMAR06 đã đạt thành tích tốt tại cuộc thi. Cảm ơn bạn đã mang đến cuộc trò chuyện thú vị về hành trình chinh phục cuộc thi Marketing Catcher 2022.
Là một sinh viên chăm chỉ, kiên trì và có niềm đam mê với ngành học của mình, An luôn mong muốn được thử sức mình tại môi trường cạnh tranh, thực chiến để sẵn sàng khẳng định vị thế của mình ở lĩnh vực Marketing. Chúc bạn có một hành trình tuổi trẻ thật đáng nhớ và thành công nhé!
Mai Vy