Hội thảo quốc tế về Tâm lý học 2025 tại GDU: Kết nối tri thức toàn cầu – Lan tỏa giá trị nhân văn
Lượt xem: 111Ngày 24/5/2025, tại Trường Đại học Gia Định (GDU) đã diễn ra thành công Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Phẩm cách, Sức mạnh tâm lý và Sự phát triển toàn diện của sinh viên”. Hội thảo do Trường Đại học Gia Định phối hợp cùng Quỹ Từ thiện Bông Hồng Nhỏ tổ chức, thu hút hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự, bao gồm nhiều nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên, nhà quản lý giáo dục đến từ nhiều đơn vị uy tín.
Sự kiện không chỉ đánh dấu bước tiến mới của GDU trong hành trình vươn tầm học thuật, mà còn thể hiện sự đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực tâm lý học – yếu tố then chốt trong việc bồi dưỡng nhân cách và năng lực toàn diện cho thế hệ sinh viên hiện đại.
Trường Đại học Gia Định (GDU) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học: “Phẩm cách, Sức mạnh tâm lý và Sự phát triển toàn diện của sinh viên”.
Quy tụ chuyên gia quốc tế – lan tỏa giá trị học thuật
Hội thảo năm nay tạo dấu ấn đặc biệt với sự hiện diện của nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Đáng chú ý là sự tham gia của Prof. Dr. Daniel Norman McIntosh (University of Denver), Prof. Dr. Lê Xuân Hy (Seattle University) và Prof. Dr. Kenvin Lee Ladd (Indiana University South Bend) – những gương mặt uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và tâm lý học từ Mỹ. Ngoài ra, sự kiện còn thu hút hơn 200 đại biểu, gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các viện – trường trong nước cùng đông đảo sinh viên, cán bộ của GDU.
Sự kiện còn quy tụ hơn 200 chuyên gia, khách mời uy tín trong nước về lĩnh vực Tâm lý học, cùng đông đảo giảng viên, cán bộ nhân viên và sinh viên nhà trường quan tâm, theo dõi.
Về phía GDU, hội thảo có sự tham dự của TS. Đỗ Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Chủ tịch Quỹ Bông Hồng Nhỏ; NGƯT. PGS.TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng GDU; cùng các Phó Hiệu trưởng: TS. Nguyễn Văn Hiến, ThS.LS Trịnh Hữu Chung, ThS. Nguyễn Thị Cẩm Lệ, TS. Nguyễn Vũ Lân… thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo nhà trường đối với các hoạt động nghiên cứu, phát triển chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý học.
Phát biểu của NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định – nhấn mạnh vai trò then chốt của tâm lý học trong bối cảnh chuyển động nhanh chóng của thế giới số hiện nay.
NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng GDU, phát biểu khai mạc sự kiện.
“Thế giới số đang đổi thay từng ngày, và chính trong dòng chảy đó, giá trị của tâm lý học ngày càng được khẳng định rõ nét. Chúng ta đang đồng hành cùng một thế hệ trẻ đầy tiềm năng nhưng cũng phải đối diện với nhiều biến động tâm lý. Khái niệm ‘chữa lành’ vì thế đã trở thành một phần thiết yếu trong hành trình khám phá và hoàn thiện bản thân của các bạn trẻ. Để thực sự đồng hành và hỗ trợ thế hệ này, việc đi sâu nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu tâm lý học là điều cấp thiết và nên được ưu tiên hàng đầu…” - NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần nhấn mạnh.
TS. Đỗ Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng trường GDU, Phó Chủ tịch Quỹ Bông Hồng Nhỏ, phát biểu tại sự kiện.
Các diễn giả đã trình bày nhiều công trình nghiên cứu mới, xoay quanh các chủ đề cốt lõi như: "Ý thức sống phẩm giá con người của sinh viên một số trường đại học tư thục ở Việt Nam" - TS. Đỗ Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng trường GDU; "Teaching and Learning with AI for Strength and Development" - GS. Lê Xuân Hy, Giáo sư Tâm lý học, Giám đốc Viện Phát triển Con người tại Đại học Seattle; "Gratitude, Labyrinths, Haiku and a Model of Time-release Teaching" - GS. Kevin L. Ladd, Giáo sư Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Indiana tại South Bend; "The Power of Sharing Experiences: Holistic Teaching about Thriving and Spiritual Practice" - GS. Daniel N. McIntosh, Giáo sư Tâm lý học, Trưởng Khoa danh dự, Trường Nghệ thuật, Nhân văn & Khoa học Xã hội, Đại học Denver; "Tính chính trực của sinh viên" - PGS.TS. Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TP.HCM, Giám đốc Chương trình Tâm lý học GDU……
Prof. Dr. Kenvin Lee Ladd - Deparment of Psychology Indiana University South Bend nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảng dạy dựa trên trải nghiệm cá nhân, sự phản ánh và chia sẻ.
Trong đó, Prof. Dr. Kenvin Lee Ladd chia sẻ quan điểm sâu sắc về phương pháp giảng dạy hiện đại: “Việc giảng dạy không chỉ là truyền đạt kiến thức một chiều. Giảng dạy cần đi kèm với trải nghiệm, phản tư và kết nối cá nhân. Khi đó, người học mới thực sự mở rộng tư duy, nâng cao năng lực học thuật và tự khám phá tiềm năng bản thân…”.
Khơi mở góc nhìn và kết nối học thuật
Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tri thức, hội thảo còn mở ra không gian trao đổi sôi nổi, khuyến khích đặt câu hỏi, phản biện, từ đó tìm kiếm các giải pháp thiết thực cho những vấn đề tâm lý học đường hiện nay. Những chủ đề được chọn lọc kỹ càng, có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tiễn đời sống sinh viên tại Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ.
Sự kiện không chỉ là nơi chuyên gia chia sẻ kiến thức, mà còn mở ra cơ hội để người tham dự đặt câu hỏi, trao đổi ý kiến.
Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (năm 3, ngành Công nghệ thông tin GDU) chia sẻ: “Em thực sự ấn tượng với quy mô và chiều sâu nội dung của hội thảo lần này. Các báo cáo khoa học rất gần gũi nhưng cũng mang tính quốc tế cao. Em nhận ra vai trò to lớn của tâm lý học đối với sự phát triển toàn diện – điều mà trước đây sinh viên bọn em ít được tiếp cận một cách hệ thống.”
Sự kiện còn là dịp để các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên xây dựng mạng lưới kết nối học thuật. Những cuộc gặp gỡ bên lề, các phiên thảo luận song ngữ không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn hứa hẹn các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng tâm lý học trong thực tiễn.
Hội thảo cũng chính là minh chứng cho định hướng giáo dục “Chọn lọc - Ứng dụng - Đại chúng” của GDU trên hành trình kiến tạo tri thức, ươm mầm tương lai.
Hội thảo quốc tế về tâm lý học là một phần trong chuỗi hoạt động học thuật nổi bật mà GDU triển khai từ đầu năm 2025 đến nay. Chỉ trong 5 tháng, GDU đã tổ chức hàng loạt hội thảo, tọa đàm lớn như: “Xu hướng mới trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ”, “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”, “Chuyển đổi số trong trường đại học”,… thu hút đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự.
Thông qua những diễn đàn học thuật chất lượng, GDU không chỉ khẳng định vị thế là một cơ sở đào tạo uy tín, mà còn thể hiện rõ sứ mệnh đồng hành cùng sinh viên, lan tỏa giá trị nhân văn và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng học thuật.
Kim Tuyền