Sinh viên GDU “Học để đi xa - Giao tiếp để chạm gần” cùng chuyên gia ngoại giao, ngôn ngữ Trung Quốc
Lượt xem: 75Vừa qua, Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế - Trường Đại học Gia Định (GDU) đã tổ chức thành công Talkshow “Học để đi xa - Giao tiếp để chạm gần” với sự tham gia chia sẻ của các diễn giải đến từ lĩnh vực ngoại giao và ngôn ngữ Trung Quốc. Sự kiện thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên GDU tham dự.
Các diễn giả, thầy cô GDU và sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện
Kết nối học thuật với thực tiễn
Sự kiện nằm trong chuỗi Talkshow “Career Talk - Chuyện nghề nghiệp” do Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế thực hiện, nhằm mang đến cho sinh viên những thông tin, kiến thức bổ ích. Đồng thời giúp các bạn trẻ định vị bản thân, cải thiện kỹ năng giao tiếp để sẵn sàng hội nhập quốc tế.
Tham gia sự kiện có sự hiện diện của ThS.LS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định; PGS.TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Khoa học Xã hội - Ngôn ngữ Quốc tế; ThS Nguyễn Thu Thảo - Giám đốc Trung tâm Trải nghiệm & Việc làm sinh viên; ThS.LS Lưu Phương Nhật Thùy - Giám đốc chương trình ngành Luật; ThS Trần Thị Ngọc Thúy - Giám đốc chương trình ngành Đông Phương học; ThS Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Giám đốc chương trình ngành Ngôn ngữ Anh, cùng Quý thầy, cô và sinh viên GDU.
Về phía khách mời và là diễn giả của chương trình có ông Trần Đình Vũ Hải - Bí thư Thứ nhất Bộ Ngoại giao, nguyên Lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) và TS Hồ Thị Trinh Anh - Chuyên gia Ngành ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Trung Quốc, nguyên Trưởng Bộ môn ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - Trường Đại học Mở TP.HCM.
Phát biểu tại sự kiện, ThS.LS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, đánh giá cao ý nghĩa việc tổ chức sự kiện lần này của Khoa Khoa học Xã hội - Ngôn ngữ Quốc tế.
ThS.LS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, phát biểu tại sự kiện
“Talkshow này là một phần trong sự nỗ lực của Khoa Khoa học Xã hội - Ngôn ngữ Quốc tế GDU nhằm kết nối học thuật với thực tiễn. Nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa để sinh viên nắm bắt kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn và trở thành những công dân toàn cầu, sẵn sàng hội nhập với thị trường. Các bạn sinh viên cũng hãy chú ý lắng nghe, nghe để có kiến thức, nghe để suy nghĩ, nghe để hành động, từ đó rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân...” - ThS.LS Trịnh Hữu Chung chia sẻ.
Cơ hội “vàng” của ngôn ngữ Trung Quốc
Với nhiều năm làm việc trong ngành ngoại giao và ngôn ngữ Trung Quốc, các diễn giả đã mang đến nhiều góc nhìn mới, sâu sắc, mang đậm tính thực tiễn về thế giới “ngoại giao” đầy thú vị nhưng cũng không ít thách thức.
PGS.TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Khoa học Xã hội - Ngôn ngữ Quốc tế tặng hoa cám ơn ông Trần Đình Vũ Hải - Bí thư Thứ nhất Bộ Ngoại giao, nguyên Lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc (bìa trái) và TS Hồ Thị Trinh Anh - Chuyên gia Ngành ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Trung Quốc (giữa).
Tại sự kiện, các diễn giả cũng tập trung chia sẻ sâu về tiềm năng và cơ hội “vàng” của ngôn ngữ Trung Quốc. Ông Trần Đình Vũ Hải - Bí thư Thứ nhất Bộ Ngoại giao, nguyên Lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) chia sẻ: “Không gian cơ hội của người biết tiếng Trung rộng rãi và rõ rệt hơn bao giờ hết, chỉ sợ bạn không giỏi chứ không sợ bạn thất nghiệp nếu có tiếng Trung”.
Với lối nói chuyện gần gũi, truyền cảm, các diễn giả đã mang đến những câu chuyện nghề thật - người thật - bài học thật đầy thú vị. Ảnh: Ông Trần Đình Vũ Hải (bìa phải) và TS Hồ Thị Trinh Anh (giữa) chia sẻ tại sự kiện.
Bên cạnh đó, TS Hồ Thị Trinh Anh - Chuyên gia Ngành ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập chiến lược. Theo đó, sinh viên cần xây dựng lộ trình học tập rõ ràng, tập trung vào các kỹ năng cốt lõi như ngoại ngữ, tư duy phản biện và khả năng thích nghi.
Sự kiện thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên GDU tham dự
Talkshow “Học để đi xa - Giao tiếp để chạm gần” vừa tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu giữa sinh viên với chuyên gia, vừa là diễn đàn học thuật, giúp mỗi bạn trẻ nắm bắt được: Tầm quan trọng của giao tiếp đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập; Kinh nghiệm tự học và định hướng nghề nghiệp từ người đi trước; Các rèn luyện bản lĩnh và thái độ chuyên nghiệp trong giao tiếp quốc tế...
Một trong những điểm nhấn của talkshow là phần hỏi đáp trực tiếp giữa sinh viên và diễn giả. Các câu hỏi từ sinh viên xoay quanh nhiều chủ đề, từ cách vượt qua nỗi sợ khi giao tiếp với người nước ngoài, cách xử lý “xung đột” văn hóa, đến những kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường đa quốc gia. Ông Trần Đình Vũ Hải đã trả lời từng câu hỏi của sinh viên một cách tận tình, không chỉ đưa ra lời khuyên mà còn khuyến khích sinh viên dám thử thách bản thân.
Sinh viên GDU tham gia đặt câu hỏi với các diễn giả tại sự kiện. Nội dung các câu hỏi xoay quanh nhiều chủ đề, từ cách vượt qua nỗi sợ khi giao tiếp với người nước ngoài đến cách xử lý “xung đột” văn hóa...
Bạn Nguyễn Từ Minh Tâm - Sinh viên năm 1 ngành Đông Phương học - Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế GDU, chia sẻ: “Sau buổi talkshow, em nhận ra giao tiếp không chỉ đơn thuần là kỹ năng, mà còn là thái độ sống - bản lĩnh để vượt qua những khác biệt về văn hóa, đồng thời hiểu thêm về tiềm năng của tiếng Trung trong thị trường trường lao động”.
Với định hướng đào tạo gắn liền thực tiễn, GDU luôn không ngừng cập nhật, đổi mới chương trình học tập, tổ chức nhiều sự kiện giàu tính trải nghiệm như talkshow, workshop, seminar... để giúp sinh viên phát triển bản thân một cách toàn diện. Sự kiện “Học để đi xa - Giao tiếp để chạm gần” chính là minh chứng sống động cho cam kết ấy.
GDU luôn không ngừng cập nhật, đổi mới chương trình học tập, tổ chức nhiều sự kiện giàu tính trải nghiệm giúp sinh viên phát triển bản thân một cách toàn diện
Với những giá trị thiết thực mà talkshow mang lại, tin rằng các bạn sinh viên Khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ Quốc tế nói riêng và sinh viên Trường Đại học Gia Định nói chung sẽ có thêm động lực, kiến thức, kỹ năng để tự tin chinh phục đỉnh cao mới trên con đường học tập, sự nghiệp trong tương lai.
Trung Nghĩa