Trường Đại học Gia Định tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”
Lượt xem: 5Ngày 15/4/2025, Trường Đại học Gia Định (GDU) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”.
Nhằm giải quyết những thách thức pháp lý đặt ra bởi nền kinh tế số, ngày 15/4/2025, Trường Đại học Gia Định (GDU) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”, mở ra không gian đối thoại và tìm kiếm hướng đi mới cho hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hội thảo do Trường Đại học Gia Định phối hợp với Viện nghiên cứu pháp luật và xã hội tổ chức, quy tụ nhiều đại biểu cấp cao đến từ: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương; Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội; Viện nghiên cứu Chiến lược kinh tế; Viện nghiên cứu pháp luật bảo vệ Doanh nghiệp và Người tiêu dùng; Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội doanh nhân Việt Nam; Đại diện các Trường đại học có đào tạo ngành Luật cùng đông đảo thẩm phán, kiểm sát viên, chuyên gia pháp lý,...
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số” quy tụ đông đảo chuyên gia đến từ các sở, ban, ngành, đơn vị Trung ương và địa phương, viện nghiên cứu
Tại sự kiện, các chuyên gia đã tập trung phân tích nhiều chuyên đề quan trọng, bao gồm: Những vấn đề pháp lý về bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số; Những vấn đề pháp lý về kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; Những vấn đề pháp lý về bảo vệ dữ liệu người dùng; Góp ý dự thảo Luật Khoa học - Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số;...
Hội thảo không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn, góp phần định hình khung pháp lý cho nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế số đang thay đổi diện mạo của xã hội, Trường Đại học Gia Định nhận thức rõ vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp vào việc xây dựng khung pháp lý phù hợp. Hội thảo lần này không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ kiến thức mà còn tạo cơ hội giúp sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên nhà trường tiếp cận những vấn đề thực tiễn, từ đó có định hướng nghiên cứu, học tập hiệu quả hơn”.
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo đối với việc hoàn thiện khung pháp lý trong nền kinh tế số tại Việt Nam
Theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, Việt Nam có hơn 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Điều này cho thấy nền kinh tế số đang bước vào giai đoạn bùng nổ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa theo kịp tốc độ đổi mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với bối cảnh thời đại.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trong nước đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy nghiên cứu pháp luật trước bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.
Tại Trường Đại học Gia Định, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên phối hợp tổ chức hàng loạt sự kiện hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đông đảo chuyên gia pháp lý nhằm trao đổi, thảo luận về lĩnh vực pháp lý, điển hình như: Luật sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, giao dịch điện tử, quản lý dữ liệu số,...
Trường Đại học Gia Định thường xuyên tổ chức chương trình talkshow, seminar, tọa đàm về chủ đề pháp lý, giúp sinh viên nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn
Được biết, GDU không chỉ chú trọng đào tạo mà còn khuyến khích đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên tích cực nghiên cứu, đưa ra những kiến nghị pháp lý giá trị cho các vấn đề mới trong từng lĩnh vực.
Sự kiện đồng hành cùng hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số” là một ví dụ điển hình, thể hiện sự nỗ lực của nhà trường trong việc gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn đời sống - kinh tế - xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu - Phó Trưởng khoa Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Gia Định chia sẻ: “Kinh tế số là xu hướng tất yếu của tương lai, do đó pháp luật phải đi kịp để điều chỉnh các quan hệ pháp lý mới phát sinh trong lĩnh vực này. Đây là thách thức lớn đối với ngành giáo dục pháp luật hiện nay, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội giúp những trường đại học như GDU nâng cao năng lực đào tạo, chuẩn bị cho sinh viên một nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc và cần thiết để trở thành các luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi trong tương lai”.
Theo tìm hiểu, GDU hiện đang đào tạo 54 ngành/chuyên ngành, trong đó có cả ngành Luật - Luật Kinh tế. Đây là các ngành học mũi nhọn, đón đầu xu hướng phát triển của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, GDU mang đến chương trình đào tạo bám sát thực tiễn, mức học phí cạnh tranh chỉ từ 1,1 triệu đồng/tín chỉ cùng nhiều suất học bổng khuyến học giá trị, tạo điều kiện tối đa để mỗi sinh viên có thể dễ dàng theo đuổi đam mê, phát triển sự nghiệp.
Các phiên tòa giả định mang đến những góc nhìn mới, tạo cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận với môi trường thực tiễn ngay từ sớm
Nhìn về tương lai, GDU đặt mục tiêu mở rộng nghiên cứu pháp luật kinh tế số, hướng tới việc xuất bản các công trình khoa học trên tạp chí quốc tế vào năm 2026.
Nhà trường cũng lên kế hoạch triển khai nhiều khóa học bổ ích về “Pháp luật trong chuyển đổi số” dành cho giảng viên, cán bộ nhân viên và sinh viên để góp phần nâng cao nhận thức pháp lý trong xã hội.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam