“Khó để đưa học trò vào nề nếp, có thái độ học tập nghiêm túc”  

“Khó để đưa học trò vào nề nếp, có thái độ học tập nghiêm túc”  

Lượt xem: 1048

    Giảng viên GDU mang đến cho sinh viên bên cạnh kiến thức chuyên môn còn là những kinh nghiệm, tình huống thực tiễn trong quá trình làm việc.  

     

    Bên cạnh những giờ giảng trên lớp, các giảng viên tại trường Đại học Gia Định (GDU) còn là những doanh nhân, làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. ThS. Trương Phi Cường – Điều phối chương trình ngành Quản trị kinh doanh là một trong những giảng viên như thế. 

     

    ThS. Trương Phi Cường vừa đạt danh hiệu “Nhà giáo được yêu thích nhất” trong Teacher Award 2022 - chương trình do Tập Đoàn Nguyễn Hoàng tổ chức thường niên chào mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.  

     

    Gắn bó với Đại học Gia Định từ năm 2017, ThS. Trương Phi Cường luôn nhiệt huyết với nghề, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm làm việc, cũng như những kinh nghiệm về ngành nghề của mình đến với sinh viên.  

     

    Hãy cùng trò chuyện với ThS. Trương Phi Cường để lắng nghe những chia sẻ của Thầy nhân dịp 20.11 nhé. 

     

    Cơ duyên nào đã đưa Thầy đến với nghề giáo, thưa Thầy? 

     

    Nói về hành trình nghề giáo của tôi thì có xuất phát điểm từ con số 0. Trước đó tôi không nghĩ sẽ theo đuổi công việc này. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2005 thì tôi được gặp gỡ TS. Trần Ngọc Lân – người thầy đầu tiên dìu dắt tôi trên con đường này và khám phá ra được rằng tôi phù hợp với nghề này. Thấy bản thân cũng phù hợp và cũng yêu thích nên bén duyên với công việc này từ khi nào không hay. Sau đó mình cũng chuyển công tác sang một số trường và điểm dừng chân cuối cùng là trường Đại học Gia Định. Và tôi thấy việc về với GDU, đến bây giờ vẫn là quyết định đúng đắn. 

     

    Thầy Cường trong mắt sinh viên là một người như thế nào? 

     

    Đối với học trò, mình rất khó nhưng là khó để răn đe, để đưa học trò vào nề nếp. Tôi khuyến khích các bạn phải học, phải đóng góp thì mình mới đánh giá được đúng năng lực của các bạn. Từ đó giúp các bạn có thêm động lực để phấn đấu, chứ không cào bằng, điểm số phải được cho đúng với những đóng góp của các bạn trong quá trình học. Với tôi, điều quan trọng nhất chính là đánh giá quá trình học của sinh viên trên lớp. Mục đích chính của tôi là rèn cho các bạn sự nghiêm túc trong học tập. Tôi vẫn nói với các bạn rằng, quan trọng là thái độ học tập của các bạn tốt còn lại đừng lo môn học đó là khó hay không khó. Thái độ học tập rất quan trọng vì khi nghiêm túc trong học tập rồi thì sau này ra trường, đi làm các bạn vẫn giữ được thái độ nghiêm túc đó.  

     

     

    Được biết, Thầy vừa đạt danh hiệu “Nhà giáo được yêu thích nhất” trong Teacher Award 2022. Cảm xúc của Thầy như thế nào khi nhận được tin vui đó? 

     

    GDU có rất nhiều thầy cô giỏi, xuất sắc và tôi không nghĩ mình có thể thắng giải “Nhà giáo được yêu thích nhất”. Tôi thì cũng làm việc, cống hiến hết mình nhưng so với những thầy cô khác thì tự bản thân cảm thấy là không bằng. Rất cảm ơn quý thầy cô, các em sinh viên đã tín nhiệm bầu chọn tôi. Và khi có kết quả thì bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp chúc mừng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi rất vui vì thấy được trong lòng của đồng nghiệp, của học trò cũng có mình. Cảm thấy không có gì hạnh phúc hơn khi trước ngày 20.11 mà nhận được niềm vui lớn như vậy. 

     

    Thầy có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình công tác của mình không, thưa Thầy? 

     

    Trong hành trình 17 năm đi dạy, nếu nói về kỷ niệm thì thật sự rất nhiều, kỷ niệm nào cũng đáng nhớ cả. Tất cả kỷ niệm với học trò, với đồng nghiệp, đều đáng ghi nhớ và tôi ghi nhớ mãi. Những thế hệ sinh viên cũng cách đây mười mấy năm vẫn tìm về thầy trong dịp lễ và chia sẻ những câu chuyện của mình. Tôi thấy rất vui khi nghe kể rằng các em ấy thành công như thế nào, đạt được những thành tựu ra sao. Và tôi cảm thấy rất biết ơn khi mình được đồng hành, dìu dắt những thế hệ như vậy. 

     

    Với riêng bản thân Thầy thì đâu là niềm hạnh phúc nhất của nghề giáo? 

     

    Với bản thân tôi, hạnh phúc lớn nhất của người thầy là nhìn thấy sinh viên mình thành công, xây dựng được sự nghiệp vững bền và đóng góp nhiều cho xã hội. Sau này, bên ngoài xã hội biết đâu các bạn có thể là đồng nghiệp của mình. Đó là niềm hạnh phúc đối với một người thầy khi mà dìu dắt được học trò giỏi, làm được nhiều điều như vậy. 

     

     

    Vừa đi dạy vừa tham gia làm việc tại doanh nghiệp làm thế nào để chu toàn cả hai thưa Thầy? Và đã bao giờ Thầy có suy nghĩ sẽ từ nghề giáo không? 

     

    Đa số giảng viên trường mình ai cũng có doanh nghiệp riêng hoặc tham gia làm việc tại các công ty song song với việc đi dạy. Đa số các thầy cô ở trường giảng dạy vì đam mê, vì thích truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ. Trong suốt quá trình đi dạy cũng sẽ có những khó khăn và gặp nhiều vướng mắc. Nhưng thật sự trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này. Tôi theo nghề giáo, tất cả vì đam mê. Công việc của tôi ở bên ngoài giảng đường vẫn rất nhiều nhưng vẫn sắp xếp thời gian để đi dạy, truyền đạt cho sinh viên. Tôi muốn chia sẻ những gì mình có, những gì mình biết cho sinh viên. Nếu gặp khó khăn thì sẽ tìm cách gỡ để công việc giảng dạy của mình thuận lợi hơn chứ chưa bao giờ muốn từ bỏ. 

     

    Nếu được gửi một lời nhắn đến sinh viên, Thầy sẽ nhắn nhủ điều gì? 

     

    Khi chọn công việc này, tôi luôn mong muốn truyền đạt những gì mình có, đóng góp công sức để các bạn sinh viên nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Vậy nên mong rằng các bạn hãy đặt niềm tin vào những người thầy đang giảng dạy cho mình, họ đang muốn đem đến những điều tốt nhất cho các bạn. 

     

    Cảm ơn những chia sẻ đầy cảm xúc của ThS. Trương Phi Cường. Chúc Thầy sức khỏe, công tác tốt và sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. 

     

    Mỹ Ngọc 

    Bài viết khác
    » Lời nhắn đầu xuân  (759 lượt xem - 30.01.2023)
    » Xuân bình an  (660 lượt xem - 22.01.2023)
    » Lời cảm ơn cho năm Nhâm Dần  (765 lượt xem - 21.01.2023)
    » Tạm biệt 2022…  (888 lượt xem - 31.12.2022)

    Các trường Đại học liên kết

    Đối tác GDU

    Kết nối với GDU