Không đậu ngành mơ ước không có nghĩa là hết đường vào đại học
Lượt xem: 27Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 – kỳ thi đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới – nhiều học sinh không tránh khỏi cảm giác lo lắng, đặc biệt là nỗi sợ rớt ngành mơ ước. TS Mai Đức Toàn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh – Truyền thông, Trường Đại học Gia Định (GDU) – chia sẻ góc nhìn chuyên môn và lời khuyên thiết thực giúp thí sinh giữ vững tinh thần và điều chỉnh chiến lược đăng ký nguyện vọng.
TS Mai Đức Toàn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh – Truyền thông GDU, tư vấn cho các bạn học sinh.
Tâm lý lo lắng là bình thường, nhưng cần tỉnh táo để nhìn xa hơn
TS Mai Đức Toàn chia sẻ: "Tâm lý lo lắng sau kỳ thi là điều dễ hiểu, nhất là khi năm 2025 là năm đầu tiên áp dụng đề thi theo chương trình mới với mức độ phân hóa cao, đặc biệt ở các môn Toán, Tiếng Anh".
Tuy nhiên, theo TS Toàn, điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức xét tuyển đại học. Vì vậy, thí sinh cần bình tĩnh đánh giá lại năng lực, tìm hiểu thêm các phương thức tuyển sinh đang được các trường áp dụng để mở rộng cơ hội trúng tuyển.
Rớt nguyện vọng 1 không phải là dấu chấm hết
Đặt toàn bộ kỳ vọng vào một ngành học là điều đáng quý, nhưng nếu không đạt, thí sinh không nên đánh đồng điều đó với thất bại. "Đây không phải là dấu chấm hết, mà là một ngã rẽ cần sự tỉnh táo và linh hoạt", ông Toàn nhấn mạnh.
Thí sinh nên:
- Đối chiếu điểm thi với điểm chuẩn 3 năm gần nhất.
- Tìm ngành gần với sở thích, có điểm chuẩn thấp hơn.
- Tận dụng các phương thức xét tuyển bổ sung như học bạ, đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển...
Điểm thi tốt nghiệp không phải con đường duy nhất
Hiện nhiều trường đại học áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.
Một số “cửa phụ” mà thí sinh nên tận dụng:
- Xét học bạ THPT (lớp 12, 3 năm, hoặc tổ hợp 3 môn).
- Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
- Xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên theo quy định riêng.
- Phỏng vấn năng lực, xét tuyển riêng của từng trường.
Quan trọng: Thí sinh cần đọc kỹ Quy chế tuyển sinh năm 2025 và Đề án tuyển sinh của từng trường để nắm rõ mã ngành, tổ hợp, phương thức và điều kiện xét tuyển.
TS Mai Đức Toàn trao đổi, tư vấn hướng nghiệp cho các bạn học sinh THPT.
Chiến lược nguyện vọng: phù hợp – an toàn – linh hoạt
TS Mai Đức Toàn khuyên thí sinh nên:
- Đặt các nguyện vọng đầu tiên là ngành mơ ước, có điểm chuẩn cao hơn khoảng 1–2 điểm.
- Thêm nguyện vọng “vừa sức”, tương đương hoặc thấp hơn nhẹ so với điểm thi.
- Dự phòng bằng một vài nguyện vọng ở trường có điểm chuẩn thấp hơn 2–3 điểm nhưng cùng ngành.
Ngoài ra, hãy chọn tổ hợp có điểm cao nhất khi đăng ký xét tuyển – đây là yếu tố giúp tăng cơ hội trúng tuyển.
TS Mai Đức Toàn trong một chuyến tư vấn hướng nghiệp cho các bạn học sinh THPT.
Không đạt kỳ vọng – làm lại từ đâu?
“Kết quả thi không quyết định toàn bộ tương lai. Quan trọng là bạn sẽ bắt đầu lại từ đâu và hành động như thế nào”, TS Toàn chia sẻ.
Nếu không đậu trường top, hãy xem xét:
- Ngành học liên quan hoặc chuyên ngành sâu hơn.
- Trường top giữa có chất lượng đào tạo tốt.
- Các chương trình liên kết quốc tế, quốc tế hóa.
Đừng bỏ lỡ cơ hội ở các phương thức xét tuyển học bạ, đánh giá năng lực... Đây là những “phao cứu sinh” giúp bạn đến gần giấc mơ đại học hơn.
Lời nhắn gửi đến sĩ tử mùa tuyển sinh
“Giữ vững tinh thần – Linh hoạt trong lựa chọn – Chủ động tìm hiểu” là ba nguyên tắc vàng mà TS Mai Đức Toàn gửi đến thí sinh sau kỳ thi tốt nghiệp.
“Đại học không chỉ có một con đường. Điều quan trọng là bạn đủ bản lĩnh để bước tiếp, dù phải đi theo lối rẽ khác.”
Tóm lại, trong giai đoạn “chạy nước rút” sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, giữ vững tinh thần, có tư duy linh hoạt và chiến lược lựa chọn nguyện vọng thông minh là chìa khóa giúp thí sinh biến khó khăn thành cơ hội. Đại học không chỉ là một con đường, mà là hành trình có nhiều lối rẽ – miễn là bạn đủ bản lĩnh để tiếp tục bước đi.
Phương Cát